The Valley Catholic June 11, 2019 | Page 20

20 June 11, 2019 | The Valley Catholic VIETNAMESE NEWS Bài giảng của Đức Cha Cantú tại Thánh lễ Kỷ niệm 25 năm Linh mục 21 tháng 5 năm 2019 Vương cung Thánh đường Chính tòa Thánh Giuse Vào ngày hôm nay, 25 năm về trước, Đức Cha Joseph Fiorenza đã truyền chức linh mục cho tôi tại Houston, Texas. Khi tôi mở lòng bàn tay ra để ngài xức dầu thánh, lòng tôi tràn ngập xúc động khi thấy mình nhỏ bé bất xứng trước sứ vụ rất to lớn mà tôi sắp lãnh nhận, và trước những hiệu quả sung mãn, những tác động chữa lành của ơn Chúa trong bí tích này. Khi tôi suy nghĩ về sự tham gia khiêm tốn của mình trong chức vụ tư tế linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô, tôi đã ví chức vụ này như một hiện trường của Thiên Chúa; chúng tôi có thể chứng kiến ​​tận mắt việc Thiên Chúa hành động trong bao nhiêu cuộc sống, và các linh mục chúng tôi không chỉ thấy tận mắt những phép lạ này, mà còn là những thừa tác viên mà Thiên Chúa dùng qua các bí tích để biến đổi con người qua tình yêu và ân sủng của Ngài. Hôm nay tôi rất biết ơn vô số những người bạn đồng hành trên hành trình suốt 25 năm qua, giáo dân và giáo sĩ, những người đã khích lệ tôi, thương mến tôi, hướng dẫn tôi, làm bạn với tôi trong suốt hành trình. Từ Houston đến San Antonio, đến Las Cruces, tôi rất biết ơn những người đã nâng đỡ tôi trong lòng mến, trong tình bạn và sự trung thực trong suốt hành trình. Tôi đặc biệt biết ơn về sự chào đón ân cần mà tôi đã nhận được ở San Jose từ Đức Cha McGrath và các nhân viên của ngài tại Toà giám mục. Tôi rất cảm kích trước thái độ tử tế và hiếu khách khi tôi đến thăm các xứ đạo, trường học, cơ quan và cộng đồng trong toàn giáo phận. Tôi tri ân công lao của Đức Cha Pierre DuMaine và sự cộng tác tận tình mà ngài đã nhận được từ các tín hữu, các tu sĩ nam nữ, các phó tế và linh mục. Gần đây, tôi may mắn có cơ hội để trao đổi với các linh mục trong giáo phận về lịch sử của giáo phận chúng ta. Tôi phải khiêm nhường và trân trọng nhìn nhận những điều tuyệt vời đã diễn ra trong gần 40 năm lịch sử, thậm chí trước khi Giáo phận San Jose được thành lập. Khi đi qua lại Thung lũng Santa Clara nhiều lần trong vài tháng qua, tôi đã rất thích thú trước vẻ đẹp tự nhiên của thung lũng này: Tôi chỉ có thể tưởng tượng vùng đất này một thời từng được gọi là “Thung lũng Hân hoan trong Cõi lòng!” Trong số những gì tốt đẹp đang diễn ra dưới danh nghĩa của giáo hội, tôi muốn nêu lên một vài điều. Những điều khác, tôi mong muốn biết rõ hơn. Tính Đa Văn Hóa Khi tôi bắt đầu làm mục tử dẫn dắt giáo hội tại San Jose, tôi như được thêm năng lực do tính đa văn hóa của giáo phận chúng ta. Tôi tin chắc rằng có những kho tàng về giá trị gia đình, kho tàng đức tin, kho tàng tận tuỵ, kho tàng kiên trì và quyết tâm, kho tàng chịu đựng và hy vọng. Đây là những kho tàng cần được coi trọng, bảo vệ, nuôi dưỡng và chia sẻ. Tôi mong muốn tìm ra những phương thức mới mẻ để chia sẻ các giá trị của mỗi nền văn hóa với cộng đồng rộng lớn hơn, hầu tất cả chúng ta có thể được hưởng nhờ những giá trị nhân văn và tôn giáo này. Đào Tạo Giáo Dân Chúng ta có một kho báu tuyệt vời nơi Học viện Đào tạo Thủ lãnh Mục vụ. Tôi biết ơn những ai nhìn xa trông rộng đã thiết lập học viện, những thủ lãnh lèo lái học viện, và những ai đã được nên phong phú hơn nhờ sự đào tạo nơi đây. Tôi biết ơn Đại học Santa Clara về bao nhiêu hình thức hợp tác và hỗ trợ dành cho các kế hoạch và các ngành mục vụ trong giáo phận; tôi mong mỏi tiếp tục sự hợp tác chặt chẽ này trong tương lai. Tôi mong muốn tiếp tục củng cố và hỗ trợ trách nhiệm quan trọng trong việc đào tạo giáo dân. Hàng ngũ giáo dân được đào tạo trong truyền thống phong phú của giáo hội, và dấn thân trong các sinh hoạt ở xứ đạo cũng như các kế hoạch của giáo hội, là điều thiết yếu cho một giáo hội sinh động. Các Trường Học Công Giáo Cảm nghiệm của riêng tôi về các trường Công giáo ở Houston đã ảnh hưởng đến cái nhìn và sự hỗ trợ của tôi đối với sứ mạng giáo dục Công giáo. Tôi và anh chị em mình có cha mẹ là di dân, cho nên không có đại gia đình và hệ thống tương trợ tự nhiên gần bên. Nhưng trong thực tế, xứ đạo và trường học đã trở thành đại gia đình của chúng tôi. Trong cộng đoàn này, chúng tôi chia sẻ những giá trị và lý tưởng giống nhau. Xứ đạo và trường học đã giúp chúng tôi thành công trong vai trò làm cha mẹ, và trở thành thủ lãnh của cộng đồng, ngành nghề, và giáo hội. Đứng đầu một gia đình thuộc tầng lớp lao động, cha mẹ tôi không đủ khả năng trả hết học phí, nhất là khi có tám đứa con! May mắn thay, gia đình chúng tôi, giống như nhiều gia đình khác, được trả học phí thấp, học phí mà họ có khả năng để đóng. Cha mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều cho con cái - vì các ngài muốn chúng tôi được đào tạo trong lòng giáo hội và có những cơ hội mở ra cho chúng tôi trong tương lai. Tôi tự hào khi làm việc để có tiền đóng học phí trung học – sơn phết các lớp học và cắt cỏ sân thể thao. Kinh nghiệm này đã giúp tôi coi trọng hơn nữa việc học của bản thân. Tôi rất vui khi hỗ trợ việc thành lập một quỹ học bổng cho các trường Công giáo trên toàn giáo phận. Quỹ này nhằm mang lại lợi ích cho các gia đình mong muốn con cái được hưởng nền giáo dục Công Giáo, nhưng cần được giúp đỡ để trả học phí giống như gia đình tôi đã được bốn mươi, năm mươi năm trước. Tôi sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để giúp quỹ học bổng Guardian Angel Program phát triển, hầu chúng ta có thể giúp các gia đình có cơ hội mà anh chị em tôi đã có nhiều năm trước đây, một điều đã giúp chúng tôi rất nhiều – và cũng giúp những người chúng ta đang phục vụ! Khi nhìn về tương lai gần, tôi nhận biết lời kêu gọi hành động theo ba cách sau đây. Một Truyền Thống Ơn Gọi: Trong khi xã hội đã cực kỳ thay đổi trong vài thập niên vừa qua, lòng con người vẫn tiếp tục tìm kiếm Thiên Chúa: tìm kiếm những gì là chân thật, yêu quý những gì tốt lành, và khao khát những gì đẹp đẽ. Thiên Chúa tiếp tục gõ cửa cõi lòng chúng ta, ngay hôm nay. Ngài mời gọi chúng ta vào một mối quan hệ yêu thương và đầy ân sủng. Trong hình ảnh rộng lớn của ơn kêu gọi, Thiên Chúa mời gọi hầu hết các tín hữu vào đời sống hôn nhân và gia đình, một ơn gọi vừa đẹp đẽ vừa có những thử thách. Một điều rất quan trọng là làm sao chúng ta xem đây là một ơn kêu gọi - vì hôn nhân và gia đình được củng cố và nên sâu xa hơn khi nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Những người khác được kêu gọi vào cuộc sống độc thân, và có nhiều cơ hội dấn thân phục vụ giáo hội và cộng đồng rộng lớn, chia sẻ những gì Thiên Chúa đã ban cho họ. Lại có những người được mời gọi sống cuộc đời thánh hiến, cầu nguyện và làm chứng cho Tin mừng, trong khi một số người được truyền chức để thi hành sứ mạng phó tế và linh mục. Tôi rất mong muốn chúng ta chủ tâm tạo nên một truyền thống ơn gọi trong các gia đình, các xứ đạo, các nhóm trẻ, các lớp học, và các nhóm. Tất cả chúng ta hãy gieo hạt giống ơn gọi của Chúa và vun tưới bằng lời cầu nguyện. Sáng kiến này, mà tôi gọi là “Tạo nên một Truyền thống Ơn gọi,” sẽ thúc đẩy chúng ta không những cầu nguyện cho các ơn gọi, mà còn đối thoại với nhau trong gia đình hay trong lớp học về tiếng Chúa kêu gọi, và cách chúng ta có thể để cho trái tim của mình lắng nghe và đáp trả lời kêu gọi của Ngài. Một Truyền Thống Gặp Gỡ: Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã kêu gọi chúng ta tạo ra một “truyền thống gặp gỡ.” Đây là lời kêu gọi đi đến những vùng ngoại biên để gặp gỡ những người mà chúng ta thường không gặp: những người thuộc các nền văn hóa khác, tín ngưỡng khác, các nhóm kinh tế xã hội khác. Hơn thế, đó còn là lời mời gọi gặp gỡ “những người nhỏ bé,” đôi khi là “những người vô hình,” bắt đầu với những bào thai đang còn trong bụng mẹ, người vô gia cư, người di dân, người tị nạn, người gặp rắc rối, người nghèo và người già - những người không có tiếng nói. Như Đức Giáo hoàng Phan-xi- cô đã nói, “Họ đều có một điểm giống với chúng ta: họ là hình ảnh của Thiên Chúa, họ là con cái của Thiên Chúa.” Khi tôi lần đầu tiên được bổ nhiệm làm cha sở tại Houston, xứ đó lại chính là xứ đạo của gia đình tôi, nơi tôi được rửa tội và lớn lên. Mẹ tôi vẫn còn là một giáo dân tại đây, vì vậy tôi có kinh nghiệm được bà sửa các bài giảng hằng tuần! Một ngày kia, khi tôi đang mở các thùng đồ ở văn phòng, một giáo dân gõ cửa, bước vào và đưa cho tôi một phong bì, nói rằng, “cái này là của cha,” rồi quay mình và bỏ đi. Tôi thấy lúng túng. Tôi biết người này, đó là ông Gonzalez, một thành viên lâu năm, được kính trọng trong giáo xứ. Tôi lớn lên cùng thời với con cái của ông ấy, đi học cùng với họ, chơi bóng rổ với họ. Phong bì mà ông đưa đã vàng ố theo thời gian. Tôi mở phong bì để lấy bức thư ra. Thư đề ngày 17 tháng 7 năm 1968. Thư được gửi đến Hội bác ái Thánh Vincent de Paul, thuộc xứ Holy Name. Thư được viết bằng tiếng Tây Ban Nha. [Sau đây là bản dịch:] tiếp tục ở trang 21