Một mục tiêu, sứ mệnh rõ ràng. Nếu những ai đã từng tham gia vào khâu tổ chức các hoạt động cộng đồng nói chung từ 1-2 năm trở lên, hẳn đều trải qua cảm giác này: bị mất phương hướng, cảm giác buồn chán và dễ bỏ cuộc. Vượt qua cái cảm giác hứng thú ban đầu, hầu hết công việc liên quan đến cộng đồng sẽ đòi hỏi tính nhẫn nại và bền bỉ. Điều này cần được bắt nguồn từ sứ mệnh mà bản thân người tổ chức tự đặt ra cho mình.“ Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” vốn dĩ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, nhưng chỉ cần có một sứ mệnh đủ mạnh, tự khắc động lực và sự bền bỉ sẽ tới.
Đảm bảo tính nhất quán cho nội dung. Bản thân người viết nhìn thấy nhiều hội nhóm được lập ra một cách liên tục. Có nhóm ban đầu là 50 người, sau đó lên vài trăm, sau đó cũng chìm dần. Quá trình chìm có khi trong vài tuần là thấy ngay, cũng có khi trong vài tháng đến một năm. Điểm chung của những nhóm thảo luận bị chìm này thường rơi vào tình huống: nội dung loãng do các thành viên chia sẻ nội dung không định hướng. Bản thân người tổ chức cộng đồng cần đảm bảo được tính nhất quán cho cộng đồng của mình. Những nội dung gì là nên chia sẻ và những nội dung là không nên chia sẻ.
Đòi hỏi sự chuẩn bị và tính chuyên nghiệp cao hơn. Khác với giai đoạn đầu, khi các hoạt động cộng đồng còn đang manh nha, nội dung còn sơ xài, dần dần, việc tổ chức các hoạt động cộng đồng sẽ đòi hỏi mang tính chỉnh chu và bài bản hơn. Đặc biệt, cần phân biệt rõ ràng giữa sự đơn giản, gọn gàng của một sự kiện( có được nhờ kinh nghiệm tổ chức, tối ưu hóa từng khâu chuẩn bị) với sự qua loa, sơ sài. Sự nhầm lẫn này rất dễ xảy ra, đặc biệt là đối với những hoạt động có vẻ dễ tổ chức như một buổi gặp gỡ kết nối quy mô nhỏ( coffee talk) đơn thuần.
Phát triển về lượng, hay là chết. Đứng lại, tức là thụt lùi. Điều này rất đúng, đặc biệt là cho lĩnh vực công nghệ nói chung và việc tổ chức cộng đồng nói riêng. Bản thân người viết đã từng tự hỏi: việc xây dựng một cộng đồng meetup ổn định về số lượng người tham gia liệu có khả thi hay không? Và kết luận bản thân tự rút ra đó là đối với cộng đồng: chất lượng nội dung và người tham dự phải đảm bảo, số lượng phải tăng dần. Số lượng tăng dần nhanh, hay chậm, còn tùy thuộc độ kiên nhẫn và tầm nhìn mà người tổ chức tự đặt ra cho mình. Nhưng song song với đó, chất lượng tốt chính là điều then chốt quyết định ý nghĩa của việc cộng đồng tồn tại. Nếu không đảm bảo được hai yếu tố này, bản thân cộng đồng sẽ dần dần co cụm lại thành một nhóm nhỏ những người quen biết, rồi dần dần sẽ mất hút.
Cởi mở trong việc ghi nhận ý kiến đóng góp từ cộng đồng, nhưng đừng lệ thuộc vào nó. Xây dựng cộng đồng là một công việc mang tính khách quan, bạn sẽ phải thường xuyên lấy ý kiến đóng góp từ cộng đồng. Vậy đâu là điểm dừng? Theo người viết, bạn nên xác định rõ mình nên nghe ý kiến đóng góp từ ai. Một thực tế đáng buồn là góp ý thì dễ, nhưng chịu trách nhiệm với ý kiến đóng góp của bản thân mình thì khó. Khi bạn đặt câu hỏi: Cần phải làm gì trong lần hoạt động tiếp theo? Bạn dễ dàng nghe ý kiến đóng góp về ý tưởng. Nhưng hãy tự hỏi, liệu những người đề xuất ý tưởng có tham gia chính hoạt động đó không? Theo kinh nghiệm của cá nhân người viết, phần lớn câu trả lời là“ không”. Hãy lắng nghe, hãy tôn trọng sự phản hồi, nhưng với một tâm thái có chọn lọc.
Hãy kiếm người đồng tổ chức. Giống như khởi nghiệp vậy, người đồng hành cùng bạn trong việc xây dựng cộng đồng là vô cùng quan trọng. Sẽ rất tốt nếu như người đồng tổ chức của bạn có những kỹ năng mà bạn còn thiếu hoặc còn yếu, vì đây sẽ là phần bổ sung quan trọng, định hình cho một tổ chức hoàn hảo hơn.
Và cuối cùng, hãy kiên nhẫn.
36 DIJSKTRA